Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Kazakhstan: Phiên bản “tự nguyện hồi hương” và “thú tội”

Nguyễn Hoàng Linh, Nhà báo, gửi tới BBC Tiếng Việt từ Budapest
Câu chuyện của Kadeshov cũng cho thấy xử lý xung đột giữa quyền con người và quyền của một quốc gia muốn được dẫn độ bị cáo là vấn đề không đơn giản và thường chịu nhiều chi phối. Chỉ những chính quyền văn minh, tôn trọng quyền con người mới có khả năng giải quyết rốt ráo vấn đề này...
Bản quyền hình ảnhJOHN MACDOUGALL/GETTY
Một công dân Kazakhstan, ông Yerzhan Kadeshov, người đã đệ đơn xin tỵ nạn chính trị tại Hungary từ 4 năm nay vì lý do mình là nạn nhân của một cuộc đấu đá chính trị và không có khả năng được xét xử công bằng tại quê hương, mới đây lại "tự nguyện hồi hương" và "thú nhận" mọi tội lỗi.

Đồng thời và trong mối liên quan với sự kiện ấy, chính quyền Hungary đang bị báo chí đối lập và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền, dân quyền chỉ trích là đã nhắm mắt bỏ qua những công ước quốc tế về quyền con người, để "lấy lòng" một xứ độc tài nhưng giàu có ở Phương Đông.

Đó là câu chuyện xảy ra xung quanh Kadeshov và chừng 40 người cùng cảnh ngộ với bị cáo này, những người từ nhiều năm nay nằm trong tầm ngắm của nhà độc tài Kazakhstan - Nursultan Nazarbayev - trong cuộc chiến quyền lực một mất một còn với một địch thủ chính trị khác.

Kadeshov phải trốn chạy khỏi Tổ quốc từ năm 2009 khi làn sóng bắt bớ lên cao, cùng vợ con lang bạt ở Ukraine và đã được nhận quốc tịch nước này, đồng thời từ bỏ quốc tịch gốc. Năm 2012, ông lại phải chạy sang Hungary vì sợ chính quyền thân Nga của Tổng thống Yanukovych cho dẫn độ.

Sau khi bị cảnh sát Hung bắt giữ năm 2014 trên cơ sở lệnh truy nã quốc tế của Interpol do Kazakhstan đề xuất, và dù bị bác đơn xin tỵ nạn vì lý do "an ninh quốc gia", ông vẫn có thẻ cư trú tại Hungary. Động thái mới đây của ông Kadeshov - xin được dẫn độ và nhận tội, vì thế gây ngạc nhiên lớn.


"Trò chơi vương quyền"

Bản quyền hình ảnhAFPImage captionChính khách đối lập, đại thương gia, chủ ngân hàng Mukhtar Ablyazov, nói ông là nạn nhân của một cuộc xung đột chính trị

Để hiểu được câu chuyện phức tạp này, cần nhắc lại tình hình chính trị Kazakhstan, một nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô, nơi lãnh tụ Nazarbayev nắm giữ quyền lực từ năm 1984, và muốn thanh toán đối thủ chính của mình là chính khách đối lập, đại thương gia, chủ ngân hàng Mukhtar Ablyazov.

Ablyazov và các đồng sự - là các lãnh đạo, nhân viên ngân hàng - phải trốn ra nước ngoài để tránh bị thanh trừng. Tuy nhiên, với cáo buộc là họ đã biển thủ phi pháp 5 tỷ USD, Nazarbayev đã nhờ Interpol truy nã các nghi can tại nhiều nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Cộng hòa Czech.

Tại những quốc gia trên, các bị cáo bị truy nã quốc tế đều bị chính quyền sở tại bắt giữ, tuy nhiên, sau nhiều thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm, không một ai bị dẫn độ về nước. Đây cũng là điều Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khuyến dụ các chính phủ.

Sau khi trốn khỏi quê hương cùng gia đình, Ablyazov bị tòa án nhiều nước buộc tội tham nhũng ở quy mô lớn, và còn bị bản án tù giam tại Anh. Trước khi thụ án, Ablyazov đã trốn chạy sang Pháp, và mặc dù bị cảnh sát bắt và phải ngồi tù, nhưng ông đã được thả năm ngoái và vẫn được ở lại Pháp.

Đen trắng không rõ ràng

Bản quyền hình ảnhPOOL/GETTY IMAGESImage captionTổng thống Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, lên nắm quyền từ năm 1984

Ở đây, cần nói ngay rằng, như điều thường thấy ở các xứ hậu Xô-viết, địch thủ chính trị của vị tổng thống Kazakhstan không hề được xem là người chuẩn mực. Ngược lại, bị cáo chính Ablyazov vẫn được nhìn nhận không phải là một nhà dân chủ, mà là một chính trị gia làm giàu khéo léo bằng những thủ đoạn chính trị và kinh tế mờ ám.

Từng là Bộ trưởng trong nội các của Nazarbayev năm 1998, nhưng rồi Ablyazov bị truất chức vì cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, giới quan sát khi đó bình luận rằng, tội chính ông ta không phải là trộm cắp của công, mà vì vị chính khách này có ý muốn tham gia cuộc đua giành ghế Tổng thống.

Đó là điều mà Nazarbayev không thể chấp nhận, và cuộc chiến giữa hai người khởi đầu từ đó. Sau khi ra tù, Ablyazov thành lập đảng đối lập và tuyên bố mình bị tù oan vì lý do chính trị, chứ không phải tham nhũng. Năm 2005, ông trở thành người đứng đầu BTA, ngân hàng lớn nhất của Kazakhstan.

BTA làm ăn rất phát đạt cho tới năm 2008, khi đó ngân hàng này bị tước khỏi tay Ablyazov và công hữu hóa. Quá trình kiểm tra chỉ ra 5 tỷ USD thâm hụt, và nhiều chứng từ cho thấy BTA đã chuyển khoản những khoản tiền rất lớn cho các công ty ngoại biên (offshore) gần gũi với vị chủ ngân hàng.

Tại sao không cho dẫn độ?


Câu hỏi tưởng chừng rất hữu lý ấy, có lời đáp rất đơn giản về mặt luật pháp: cho dù không hề là những thiên thần, nhưng các chính quyền sở tại sở dĩ không trao trả cho Kazakhstan, vì họ quan ngại một cách có cơ sở rằng, nếu bị dẫn độ, các bị cáo sẽ không được xét xử một cách công bằng.

Không chỉ vì nền tư pháp của Kazakhstan không độc lập, lệ thuộc vào "quyết tâm chính trị" của giới lãnh đạo, mà các tổ chức nhân quyền quốc tế còn lo ngại rằng, trong trường hợp bị trao trả, ở quê hương, các đương sự có thể bị tra tấn, bạo hành thể xác, thậm chí phải đối mặt với bản án tử hình.

Đó là lý do khiến trong nhiều trường hợp, các chính quyền đã rất gần với việc trao trả, nhưng rồi lại đình hoãn. Các bị cáo không phải về nước, bởi lẽ các định chế luật pháp quốc tế cấm việc dẫn độ - ngay cả kẻ phạm tội cũng có quyền được xét xử công bằng, nhân phẩm phải được tôn trọng.

Trong bối cảnh đó, việc Hungary "thiên vị" Kazakhstan, xứ sở rất giàu có về các nguồn năng lượng thiên nhiên và khoáng sản, khi chấp thuận cho về nước một nhân vật có liên quan tới những gì được cho là một cuộc thanh trừng chính trị, đã khiến Budapest phải chịu nhiều búa rìu từ công luận và giới bảo vệ nhân quyền.

Sự thông đồng đáng chê trách

Bản quyền hình ảnhSEAN GALLUP/GETTYImage caption Báo chí Hungary đã nhiều lần chất vấn Bộ Nội vụ nước này về số phận của ông Kadeshov

Ông Yerzhan Kadeshov chỉ là một bị cáo đứng hàng 4-5 trong vụ việc, nhưng vị tổng thống Kazakhstan vẫn quyết tâm phải đưa ông ta về nước bằng được. Và chính quyền Hungary, ngay từ đầu cũng đã có những động thái thông đồng với Kazakhstan, theo tổ chức nhân quyền quốc tế Quỹ Đối thoại Mở (ODF).

ODF khẳng định rằng, trong thời gian xin tỵ nạn ở Hungary, Kadeshov đã bị đe dọa với sự tiếp tay từ phía Hung. Ông đã không được phía Hung cho tiếp xúc những tổ chức bảo vệ nhân quyền, ngược lại, nhân viên nhà nước Kazakhstan thì được tự do gặp gỡ ông ta.

Thậm chí, trong một dịp như thế, Kadeshov còn được trò chuyện qua điện thoại với vị sếp một thời của ông ta, người cũng từng nhiều năm trốn chạy ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng sau khi bị dẫn độ về nước thì lập tức nhận mọi "tội trạng", và kết tội thượng cấp của mình rồi được phóng thích.

Sau cuộc trò chuyện đó, cũng như sau khi trò chuyện với giới ngoại giao Kazakhstan, trung tuần tháng 6 năm nay, Kadeshov đột ngột "nhận tội" và đề nghị nhà đương cục Hungary cho hồi hương. Cho dù trước đó, ông ta luôn phủ nhận tội trạng và khẳng định mình là nạn nhân của ván bài chính trị.

Ván bài được dàn dựng?

Báo chí Hungary đã nhiều lần chất vấn Bộ Nội vụ nước này về số phận của Kadeshov vì có tin cho rằng bị cáo này đã bị dẫn độ về nước, nhưng tới giờ vẫn không nhận được hồi âm. Giữa chừng, truyền thông từ Kazakhstan cho hay, Kadeshov quả thực đã hồi hương, và có ngay lời "nhận tội rửa tiền và biển thủ".

Hơn thế nữa, cũng giống như vị sếp của mình, Kadeshov khai buộc tội ông chủ ngân hàng Ablyazov, địch thủ chính trị của vị tổng thống Kazakhstan, rằng ông này và các đồng sự đã tổ chức tuồn tiền của ngân hàng ra nước ngoài. Theo giới bình luận, dường như tất cả đều nhuốm màu sắc sắp đặt và ngụy tạo.

Đó là lý do khiến ODF, tổ chức quan sát và bảo vệ nhân quyền, dân chủ và nhà nước pháp quyền tại các xứ thuộc Liên bang Xô-viết một thời và đặc biệt tập trung vào ba nước lớn nhất là Nga, Kazakhstan và Ukraine, đã lên tiếng chỉ trích Budapest vì sự tiếp tay cho một ván bài được dàn dựng.

Câu chuyện của Kadeshov cũng cho thấy xử lý xung đột giữa quyền con người và quyền của một quốc gia muốn được dẫn độ bị cáo là vấn đề không đơn giản và thường chịu nhiều chi phối. Chỉ những chính quyền văn minh, tôn trọng quyền con người mới có khả năng giải quyết rốt ráo vấn đề này...

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-40949582

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét