Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

Ông Võ Văn Kiệt đã bị giám sát như thế nào ?

ÔNG SÁU DÂN
Hoàng Hải Vân - Những người lãnh đạo từng bảo kê cho tham nhũng như vụ PMU18 nay không còn làm lãnh đạo nữa. Họ đã tống các nhà báo chống tham nhũng vào tù, đưa các sĩ quan cảnh sát chống tham nhũng ra trước vành móng ngựa, giám sát đến các bậc lão trượng như ông Võ Văn Kiệt, tạo ra sự sợ hãi vô tiền khoáng hậu trong nền báo chí cách mạng để che giấu các ung nhọt, những ung nhọt một số đang vỡ ra, một số đang làm mục ruỗng một bộ phận cơ thể Đảng, làm xiêu lệch méo mó Nhà nước pháp quyền.
Nhà báo Hoàng Hải Vân (Ảnh FB)
Do làm nghề báo, tôi có dịp tiếp xúc nhiều với ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Đó cũng là nhiệm vụ mà Tổng biên tập Nguyễn Công Khế giao khi tôi vừa làm Tổng thư ký Tòa soạn vừa là người viết báo Thanh Niên. Biết tôi là người cẩn trọng và trung thực trong nghề nghiệp, thỉnh thoảng ông Sáu Dân gọi tôi sang gợi ý chuyện này chuyện kia, nhiều lúc còn cung cấp thông tin cho tôi viết bài.

Khi ông qua đời, Tổng Biên tập bảo tôi viết bài về ông nhưng tôi không viết được. Bởi vì viết mà đăng được thì nhiều người đã viết, còn viết về những điều bức xúc của ông trong những năm cuối đời mà tôi trực tiếp chứng kiến thì không thể đăng trong thời kỳ năm 2008, mặc dù tôi biết Tổng Biên tập không ngại gì mà không cho đăng trên báo Thanh Niên. Lúc đó báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ và nhiều nhà báo đã bị những cá nhân lấy danh nghĩa lãnh đạo Đảng và Nhà nước bảo kê cho những kẻ tham nhũng trong vụ PMU18 đàn áp làm cho lên bờ xuống ruộng, tôi không muốn gây thêm khó khăn phiền phức cho Tổng Biên tập và tờ báo của mình. 

Anh Khế vì bảo vệ lẽ phải và sự trong sạch của chế độ này mà vạch mặt những kẻ bảo kê cho tội phạm trong vụ Năm Cam, vì bảo vệ lẽ phải và sự trong sạch của chế độ này mà vạch mặt tham nhũng trong vụ PMU18 và nhiều vụ khác, hậu quả là bị đẩy ra khỏi báo Thanh Niên. Sau khi anh không còn làm báo Thanh Niên nữa nhiều người trong các “nhóm lợi ích” khủng vẫn sử dụng các địa chỉ đen vu oan giá họa cho anh, khi thì vu anh làm cho Phủ đặc ủy trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn, giờ thì vu cho anh làm cho tình báo Hoa Nam. Làm một nhà báo chính trực quả là điều đáng sợ !

Những năm cuối đời, ông Sáu Dân bức xúc nhiều vấn đề về chủ trương chính sách, nhưng tôi chắc là những ý kiến của ông không được tiếp thu. Ông buộc phải đi vòng qua báo chí để nói lên tiếng nói của mình với tư cách là một người dân, trong đó có sự bất bình về hai “chủ trương lớn” là mở rộng Hà Nội và việc phá bỏ Hội trường Bà Đình để xây nhà Quốc hội mới. Tôi chắc là như vậy vì trong bài mà ông gửi cho tôi đăng trên Thanh Niên “Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý về Nhà Quốc Hội”, ông có viết “Rất tiếc là không có cơ hội trao đổi với cấp và người có thẩm quyền”. 

Sau bài viết đó, “người và cấp có thẩm quyền” đã lệnh miệng cho Thanh Niên không được đăng bài của ông Sáu Dân (và của tướng Giáp) về hai “chủ trương lớn” này nữa. Để tăng hiệu quả cho cái lệnh miệng đó, một vị lãnh đạo của TP.HCM đã thiệt thà nói lại với một lãnh đạo báo Thanh Niên rằng “Anh Ba có nhờ nói với các báo là phải ủng hộ chủ trương mở rộng Hà Nội vì đó là sinh mệnh chính trị của anh Ba”. Tất nhiên nói miệng thì vô chứng vô bằng, nhưng cấm đăng bài của ông Sáu Dân thì hiệu lực có thật.

Một hôm ông Sáu Dân gọi tôi sang nói rất nhiều sự bức xúc của ông về cung cách lãnh đạo và quản lý báo chí, trong đó ông có phản đối một số chủ trương siết chặt quản lý báo chí được triển khai tại một hội nghị diễn ra ở Hạ Long. Ông đề nghị tôi chắp bút viết cho ông một bài về tự do báo chí và cách lãnh đạo, quản lý báo chí để bảo đảm quyền tự do đó, ông nói bài này ông sẽ chính thức gửi cho Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó sẽ công bố trên báo chí. Ông làm việc với tôi nhiều buổi, nói hết những quan điểm và đề xuất của ông để tôi ghi lại. Việc này chỉ có ông, tôi, anh Nguyễn Công Khế và người thư ký của ông biết, vì bản thảo tôi gửi cho ông thông qua email của người này. Khi tôi gửi cho ông bản dự thảo lần thứ hai của bài viết thì anh Khế nhận được cú điện thoại từ một người lãnh đạo rất rất cao, nói ông Sáu Dân chuẩn bị có một bài viết về báo chí và nói rõ chính tôi là người chắp bút. Vị này nhờ anh Khế thuyết phục ông Sáu Dân không nên có bài viết đó. Tất nhiên anh Khế chẳng thể nào nói lại với ông. Bài viết đó không bao giờ được ông Sáu Dân gửi đi, vì sau đó ông đã qua đời.

Tôi kể lại chuyện này không phải để khoe khoang gì mối quan hệ với ông mà để thấy chỉ một chuyện nhỏ như thế của ông Sáu Dân cũng không qua mắt được những người ở chốn cung đình lúc đó, nó chứng tỏ ông có thể bị người ta giám sát. Tôi không nghĩ người thư ký đã báo lại, vì tôi biết anh rất có tư cách. Nhưng người ta giám sát ông bằng cách nào thì tôi không biết, cũng không có ý định tìm hiểu. Vả lại, ông Sáu Dân một đời quang minh lỗi lạc, ông chẳng bao giờ quan tâm mình có bị giám sát hay không.

Những người lãnh đạo từng bảo kê cho tham nhũng như vụ PMU18 nay không còn làm lãnh đạo nữa. Họ đã tống các nhà báo chống tham nhũng vào tù, đưa các sĩ quan cảnh sát chống tham nhũng ra trước vành móng ngựa, giám sát đến các bậc lão trượng như ông Võ Văn Kiệt, tạo ra sự sợ hãi vô tiền khoáng hậu trong nền báo chí cách mạng để che giấu các ung nhọt, những ung nhọt một số đang vỡ ra, một số đang làm mục ruỗng một bộ phận cơ thể Đảng, làm xiêu lệch méo mó Nhà nước pháp quyền
. Hậu quả mà họ để lại khiến cho cuộc chiến chống tham nhũng mà những người thật sự chống tham nhũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày nay phải đứng mũi chịu sào gánh vác trở thành một cuộc chiến tốn quá nhiều công sức.

Chuyện về ông Sáu Dân mà tôi biết còn nhiều, lúc nào rảnh tôi sẽ viết tiếp.

(Stt này không mong đợi những cmt suy diễn hoặc nhân đó chửi bới. Tôi xin phép sẽ xóa những cmt không thích hợp)

https://www.facebook.com/profile.php?id=100001472083411&fref=nf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét