Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017

Chưa bỏ xét lý lịch ba đời cho con cháu chế độ SG

Đảng Cộng sản chưa cởi trói lý lịch đại học ba đời cho con cháu chính quyền Sài Gòn
Cởi trói lý lịch đại học, đến tận bây giờ, vẫn còn đang được nhân dân yêu hòa bình chờ đợi. Năm 2014, nữ sinh Hồ Ái Trâm đang học lớp 12 trung học phổ thông, cô nộp đơn vào một trường báo chí. Tuy nhiên, hồ sơ của cô bị nhà trường trả về nhà, lý do rằng không phù hợp, thực ra do ông nội của cô là một sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Bị loại khỏi môi trường chuyên ngành báo chí ngay từ vòng nộp hồ sơ, Ái Trâm nộp đơn thi vào trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dễ dàng đậu vào khoa văn học của trường này.
Câu chuyện của Ái Trâm không phải là duy nhất đối với con cháu gia đình Việt Nam Cộng Hòa. Tuổi mực tím nghe trên loa đài tuyên truyền hòa giải, hòa hợp dân tộc thì cũng tưởng là thật. Cô học trò cấp 3 Ái Trâm kể trên đây còn có lý do để tin tưởng hơn thế nữa, vì trong nhà cô có đủ loại. 

Bà cụ sinh ra ông nội của cô là sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn, lại có ông em là sĩ quan cao cấp của quân đội chính phủ Hà Nội. Gia đình này có tự do dân chủ, các con ra đường ai theo lý tưởng của người nấy nhưng về nhà là phải hòa thuận là được. Ái Trâm hay đọc báo và thích nghề làm báo, có sẵn ngoại ngữ Anh. Tiếc thay, lý lịch ba đời ngăn cản cô trên con đường trực tiếp trở thành nhà báo. Về cuộc nội chiến Việt Nam, bên thắng cuộc 1975 tuyên truyền hòa hợp nhưng chưa hiển hiện rõ ràng trên thực tế như cần thiết. Nhiều gen thông minh lỗi lạc trong xã hội chỉ vì lý lịch ba đời mà đã bị kiềm chế không thể phát triển và cống hiến trong xã hội này.

Câu chuyện xảy ra năm 2014. Đến nay là năm 2017, bỗng có chuyện bộ sách Lịch sử Việt Nam do GS.Phan Huy Lê chủ biên đã bỏ những danh từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” khi đề cập về chế độ Việt Nam Cộng Hòa- chính quyền Sài Gòn cũ. Được quyền lực nhà nươc bật đèn xanh nhưng bộ sách Lịch sử Việt Nam vẫn chưa có tinh thần dũng cảm phụng sự khoa học. 

Thái độ giằng hai của nội dung cuốn sách là có thật: một mặt, có những câu những đoạn sử dụng danh từ là “chính quyền tay sai”; mặt khác, xì một ít tin cho báo chí tạo ra dư luận rằng các giáo sư nhà nước không miệt thị và gọi chính quyền Sài Gòn là ngụy nữa. Miệng lưỡi và bút mực lắt léo, giằng hai như vậy, không thể gọi là khoa học lịch sử được. Lịch sử, trong tư cách một môn khoa học, thì thể hiện một thái độ trung tính, qua lối diễn đạt không bị cảm xúc dẫn dắt. Bộ Lịch sử Việt Nam thiên về tuyên truyền tâm lý hơn là sử học. 

Về phía nhà cầm quyền Hà Nội, càng không thể kết luận là họ đã thành tâm hòa hợp hòa giải, vì vẫn ngầm muốn nhân vào lòng người những danh từ miệt thị kiểu như “chính quyền tay sai”, trong khi chính quyền Sài Gòn trong thời gian tồn tại ngắn ngủi đã làm được nhiều điều mà gần ba phần tư thế kỷ những người cộng sản Bắc Việt đang đi đường vòng làm theo mà làm không xong. Con cháu Việt Nam Cộng Hòa dù đến ba đời, dù học lực giỏi, hạnh kiểm tốt vẫn bị cấm rất ngặt thi vào các trường quân đội, an ninh,...hay đơn giản chỉ là báo chí. Nam sinh bị cấm đã đành, họ còn cấm luôn cả nữ sinh chân yếu tay mềm.

Cho đến thời gian giữa tháng 9 năm 2017, chúng ta lại nghe xì xào rằng Bộ Giáo dục-đào tạo sẽ bỏ hồ sơ nhập học đại học. Khi đưa ra thực hành rộng rãi (nếu có) thì sẽ giảm bớt được thủ tục hành chính. Hay cũng là động thái để hòa giải, hòa hợp? Nếu có ý muốn thành tâm như vậy, đảng Cộng sản phải tuyên bố một cách công khai rộng rãi là không xét lý lịch đại học đến tận ba đời đối với con cháu Việt Nam Cộng Hòa. Có vậy, những lứa đàn em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam như Ái Trâm mới tin rằng mình được đối xử công bằng trên đất nước của mình. Còn nếu như vẫn xét lý lịch ba đời cho các ngành báo chí tuyên truyền hay quân đội, xảo ngôn vẫn hoàn xảo ngôn.

Cởi trói lý lịch đại học, đến tận bây giờ, vẫn còn đang được nhân dân yêu hòa bình chờ đợi.

Kiều Phong
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét