Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Hơn cả một cái cúi đầu - DN Nhật khác DN Việt ?

Hơn cả một cái cúi đầu
Luân Lê - Đây là hình ảnh ở trạm xăng IQ8 do người Nhật đầu tư và cũng là trạm xăng nước ngoài đầu tiên hoạt động trên đất nước Việt Nam. Nó được đóng tại Hà Nội. Đây là trạm xăng dùng công nghệ cao với độ chính xác đến 0,01 lít và giá rẻ hơn giá thị trường là 200 đồng.

Ảnh: Báo soha.vn
Vào ngày 10/10, bất chấp mưa lớn, nhưng Tổng giám đốc Công ty liên doanh mở trạm xăng dầu này đã đứng cúi đầu chào người vào đổ xăng suốt nhiều giờ đồng hồ liền. Nhân viên của họ cũng luôn thân thiện với phong cách đặc trưng của người Nhật là cúi đầu chào như một văn hoá mang tầm quốc gia để tạo nên cường quốc (đế chế) Nhật Bản văn minh bậc nhất như ngày hôm nay.

Chúng ta đã có rất nhiều cuốn sách xuất bản viết về đất nước mặt trời mọc này, từ lịch sử, văn hoá, chính trị đến kinh tế, với những sự ngưỡng mộ lớn lao dành cho họ. Và chúng ta cũng hợp tác với nước Nhật trên nhiều lĩnh vực như luật pháp, thương mại và cả thể thao. Tuy nhiên, chúng ta ngày càng tụt hậu còn họ thì vẫn ngày càng vững mạnh đi lên trong sự thán phục của bạn bè khắp thế giới.

Nhật Bản cũng trải qua đủ các cuộc chiến, từ xâm lược đến cách mạng nội quốc, rồi bị dội bom nguyên tử vào chiến tranh thế giới thứ 2. Đất nước nghèo tài nguyên tưởng sẽ kiệt quệ trong sự u ám của bóng đen hậu chiến tranh. Nhưng không, họ vượt thoát ra vũng bùn lầy đó một cách ngoạn mục đến kinh ngạc. Sau năm 1945, chỉ đến những năm 1970, nước Nhật đã cơ bản vươn lên ngang tầm với các quốc gia khác trên thế giới về mức thu nhập của nền kinh tế quốc dân.

Đến giờ, không ai là không biết đến Nhật Bản như là một quốc gia hùng mạnh và văn minh hàng đầu thế giới. Văn hoá của họ là trân trọng con người, cúi đầu học hỏi và cảm tạ những người mang đến cho họ sự thịnh vượng. Và trong làm ăn, họ đề cao sự trung thực, đặt (chất lượng) sự phục vụ làm nguyên tắc cốt yếu và coi khách hàng là những người nuôi sống mình. Họ không dùng cảnh sát để mời khách hàng phàn nàn về dịch vụ và họ cũng không tăng giá vô lối bất chấp sự cam kết của mình. Họ không phục tùng hay cấu kết với cường quyền để cướp đoạt lợi ích của người dân. Họ không “bất chấp đạo đức” để làm ăn kinh doanh như một số trí thức trên nước này còn bênh vực rằng, đôi khi những người làm ăn phải tàn nhẫn, kinh doanh không phải những nhà đạo đức. Thật lố bịch cho những tư duy (hoặc ủng hộ hành động) như thế.

Họ cúi đầu chào khách hàng, người mua xăng tiêu dùng lẻ, nhưng nó sẽ trở thành những cái cúi đầu mang tầm văn hoá của cả một dân tộc có đủ nền tảng về giáo dục và văn hoá từ lâu đời được kỳ công gây dựng. Và trên đất nước Nhật, mọi cán bộ chính quyền đều biết cúi đầu trước người dân.

Hơn cả một cái cúi đầu, đó là cái tầm văn hoá của một quốc gia.

FB Luân Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét