Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Sự liều mạng của báo Văn nghệ:“Bắt đầu và kết thúc”

Sự liều mạng của báo Văn nghệ:“Bắt đầu và kết thúc”
Báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) đang trong tình trạng bi đát, nợ lương cán bộ nhân viên toà soạn nhiều tháng, lùm xùm kiện cáo nội bộ chưa giải quyết được, lãnh đạo Hữu Thỉnh năn nỉ cò kè bớt một thêm hai với thủ tướng xin thêm kinh phí, xin xe mới cho lãnh đạo Hội nhưng thất vọng. Bạn đọc vốn đã quay lưng với báo nhiều năm nay.
nữ nhà văn Trần Quỳnh Nga
Bỗng dưng báo Văn Nghệ đăng một truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của tác giả Trần Quỳnh Nga (Văn Nghệ số 50, ra ngày 16 / 12/ 2017) gây sốc khắp mạng xã hội và công luận. Lãnh đạo Văn nghệ muốn dở trò kéo bạn đọc trở lại, hay để thực hiện âm mưu Hán hoá của một thế lực nào đó ? Chỉ có báo Đại Đoàn Kết đăng 1 bài phản đối của nhà văn Trần Bảo Hưng “Hư cấu hay xuyên tạc lịch sử?”.

Vì Văn nghệ là báo in giấy, chúng tôi dẫn bản điện tử được gõ lại trên trang web-blog cuối bài sau đây, bạn đọc có thể kiểm chứng.

Truyện ngắn ái tình của Trần Quỳnh Nga viết trên bối cảnh cuộc xâm lược của quân Nguyên lần 2 vào bờ cõi Đại Việt.

Nhân tiện chúng tôi nhắc sơ lược ba lần quân dân Đại Việt chống quân Nguyên Mông chiến thắng lừng lẫy thế kỷ 13 mà các sử sách nước ta xưa nay đều thống nhất, không có chỗ nào tồn nghi. Ba lần xâm lược ấy xảy ra trong khoảng 30 năm (1258-1288).

Cuộc xâm lược lần 1. Nhà Tống đạt đến đỉnh cao nhất thì trở nên suy yếu, bị nhà Kim và Tây Hạ thanh toán gọn. Đế quốc Mông Cổ đánh chiếm nhà Kim xong thuận đường làm bá chủ miền Bắc Trung Quốc. Tàn dư nhà Tống chạy xuống miền Nam thành lập nhà Nam Tống. Quân Nguyên muốn mượn Đại Việt để đánh bọc phía nam nhằm diệt nốt quân Nam Tống. Các đoàn ngoại giao của Mông Cổ được phái sang Đại Việt đề nghị mở đường cho quân Mông Cổ đi qua đánh sau lưng Nam Tống. Các vua Trần không những từ chối lại còn cho bắt giam các nhà ngoại giao Mông Cổ. Chiến tranh lần 1 nổ ra khi tướng Mông Kha và con trai Ngột Lương đem 3 vạn quân Mông Cổ và 1 vạn rưởi quân Tống ở Vân Nam tấn công sang Đại Việt tháng 1 năm 1258. Chúng mau chóng chiếm được Thăng Long nhưng bị phản công dữ dội. Đích thân vua Trần Thái Tông và thái tử dẫn quân nghênh chiến, chỉ sau nửa tháng đã đánh bật quân Nguyên Tống chạy về nước. Hai chục năm sau nhà Nguyên vẫn đánh thắng Nam Tống, chiếm trọn Trung Hoa, thành lập đế quốc Nguyên, tiếp tục mở rộng lãnh thổ xuống đông và nam.

Cuộc xâm lược lần 2. Dẫn đầu quân Nguyên Mông là tướng Thoát Hoan tiến vào Đại Việt, chiếm được Thăng Long. Bên ta hai vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông tạm thời rút chạy và đốc chiến. Cuộc kháng chiến kéo dài từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 5 năm 1285. Hoàng tử thứ 3 Trần Ích Tắc vốn bất mãn nội bộ hoàng tộc đã đưa cả gia đình chạy sang trại giặc. Nhà Trần phải hoãn binh bằng cách xin gả công chúa An Tư cho Thoát Hoan. Rồi nhà Trần tạm nhận là chư hầu danh nghĩa, thuần phục triều cống (sách TQ chép sau này công chúa An Tư có hai con với Thoát Hoan, Trần Ích Tắc cũng định cư luôn bên đất nhà Nguyên).


Tranh: Thoát Hoan và Trần Ích Tắc bỏ chạy

Cuộc xâm lược thứ 3: Nhà Nguyên đòi đưa Trần Ích Tác về làm An Nam quốc vương, bị nhà Trần từ chối. Đó chỉ là cái cớ để nhà Nguyên tiếp tục lấn sang. Năm 1285, Hốt Tất Liệt hoàng đế nhà Nguyên (cháu của đại đế Thành Cát Tư Hãn) lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành mà Đại Việt dám chối từ, liền cho đại quân sang chinh phạt Đại Việt… Cuộc chiến diễn ra từ tháng 12.1287 đến tháng 4.1288. Lần này Trần Hưng Đạo được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy toàn quân và giành thắng lợi quyết định với trận Bạch Đằng.

Cây bút trẻ Trần Quỳnh Nga viết truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” dựa trên bối cảnh cuộc xâm lược lần thứ 2 của quân Nguyên Mông. Tuy nhiên truyện chỉ xoay quanh mối tình tay ba: An Tư, Trần Ích Tắc và Thoát Hoan như một loại dã sử, không đả động đến diễn biến và tinh thần kháng chiến của quân dân ta. Cây bút nữ này còn viết những câu oán trách nhà Trần cứng đầu khiến cho những đôi lứa phải tan vỡ (đặt vào miệng Thoát Hoan kẻ chủ động xâm lược).

Tác giả đã phá bỏ toàn bộ nguyên tắc viết tiểu thuyết lịch sử mà ngày nay thế giới đã nhận thức sáng rõ. Hư cấu là quyền năng của tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử. Nhưng tác giả đã làm trái sự thật lịch sử và thay đổi biến dạng bản chất nhân vật lịch sử và sự kiện mà không có cơ sở nào. Kẻ phản bội tổ quốc Trần Ích Tắc được hô biến thành một “hoàng huynh” quân tử tài hoa phong nhã giàu lòng nhân ái, cắn răng hi sinh cả cuộc đời đi làm “nội gián”, “trá hàng” cài vào bên địch (!). Thoát Hoan thì trở thành anh hùng mã thượng tuy có thô lỗ hung hăng nhưng có tình yêu cao đẹp, lãng mạn “Cái khoáng đạt của lòng người cũng như lòng thảo nguyên bao la và có phần lãng tử” (miêu tả Thoát Hoan). Hắn biết yêu từ cây hoa đào Thăng Long đến say mê An Tư người con gái Đại Việt xinh đẹp múa giỏi, còn biết múa cả điệu Mông Cổ “Phi thiên vũ”. Thoát Hoan nói đến vua tôi nước Việt với một giọng miệt thị: “Giá Đại Việt cứ khuất phục đi, khuất phục làm chư hầu như bao đời nay vẫn thế thì có phải những chốn thiên thai này sẽ còn lại mãi mãi”. (bao đời nay dân Việt có thuần phục nhà Hán hồi nào đâu mà nhà văn trâng tráo viết như vậy ?). Khi sắp bị đánh bật khỏi Thăng Long, tên tướng xâm lược rủ nàng “Bây giờ chúng ta phải cùng nhau lựa chọn thôi, hoặc là bắt đầu hoặc là kết thúc”. Thoát Hoan đứng dậy nhìn ra phía cửa sổ. Hắn còn nói đáng lẽ hắn chạy thoát từ sớm nhưng vì yêu nàng mà nán lại.

“.. ta đã vì nàng mà trở thành tội đồ của dân tộc ta. Nàng cũng đã vì ta mà mang tội che giấu kẻ thù với triều đình. Nếu cả hai việc đều bị vỡ lở thì không chỉ ta, cả nàng cũng bị xử tội. Chi bằng chúng ta hãy chọn mở đầu để kết thúcmọi chuyện. Chúng ta sẽ sống cho cuộc đời của chúng ta. Sẽ biến mất khỏi cuộc chiến này một cách vĩnh viễn”.

Ý là hắn rủ nàng ra đi biệt tích giang hồ như Phạm Lãi rủ rê Tây Thi xa lánh tất cả sau cuộc chiến Ngô – Việt thời Chiến quốc bên Tàu.

Than ôi nhà văn hư cấu tào lao đến thế là cùng ! Nhà văn giả bộ ca ngợi và thương xót tình yêu bị chiến tranh làm cho tàn lụi. Làm như truyện ngắn vớ vẩn này là một “Nỗi buồn chiến tranh thời Trần” vậy. Không có cơ sở nào chứng tỏ “tình yêu sét đánh” của Thoát Hoan và An Tư hai kẻ xa lạ ngôn ngữ bất đồng, nhất lại trong cảnh hoàng tộc Trần rút lui chạy giặc rối loạn.

Tất cả các chi tiết lịch sử Việt Nam đã ghi rõ trong sử sách bị Quỳnh Nga bôi xoá hết và thay vào là những chi tiết hư cấu sống sượng trâng tráo nhất.

Trần Quỳnh Nga kết thúc truyện bằng cảnh này:

“Nàng vùng dậy, kéo tấm chăn bằng lụa điều rồi đẩy Thoát Hoan vào đó.

Cho đến canh ba thì tiếng hò hét biến mất. Thinh không phút chốc trở lại yên ắng lạ thường. Gió lạnh ngoài sông thổi về gấp gấp. Trong đêm tối tĩnh mịch có hai người vội vã rời khỏi kinh thành. Ngựa phi nhanh như gió. Sau lưng họ, hoa đào rụng trắng như tuyết dưới ánh trăng đẫm sương ướt át. Mùi thơm còn đọng lại trên nhụy đài chan chát ngọt ngào”.

Thực chất sử sách xưa nay đều viết Thoát Hoan trốn nằm trong ống đồng để quân lính khiêng tháo chạy.

Viết tiểu thuyết lịch sử có nhiều khả năng rộng mở song vẫn có giới hạn. Tiểu thuyết làm sinh động hoá pho sử liệu vốn khô khan, khiến người đọc có thể “sống chung” với lịch sử quá khứ. Tiểu thuyết có thể bù vào chỗ trống của lịch sử, làm rõ nét những chỗ lờ mờ tăm tối của lịch sử. Thậm chí tiểu thuyết có thể “giải thiêng, giải huyền thoại, giải lịch sử” nếu “lịch sử” chưa đúng sự thật. Ngay cả 1 pho lịch sử đã phê duyệt chính thống cũng có thể chỉ là sự tương tác diễn ngôn, như văn chương vậy. Nhưng nhà văn hư cấu phải có cơ sở, thuận theo logic của hiện thực, logic của lịch sử và đặc biệt không thể chống lại cả một tâm thức dân tộc. Chưa nói hành văn và từ ngữ, lối diễn đạt của Quỳnh Nga lởm khởm kinh hồn, hầu như câu nào cũng mắc lỗi từ ngữ hoặc lỗi câu. Văn chương của “truyện ngắn Quỳnh Nga” sến súa uốn éo còn thua kém cải lương xa.

Này, tổng biên tập Khuất Quang Thuỵ và chủ Liên Hội văn nghệ Hữu Thỉnh muốn đưa ra thông điệp gì khi lãng mạn hoá cựu kẻ thù dân tộc và chiêu tuyết* cãi trắng cho kẻ bán nước Trần Ích Tắc ? Phải chăng chủ hội Hữu Thỉnh thực hiện cam kết giao lưu đãi đằng nhau hàng năm với Hội nhà văn Trung Quốc “bạn vàng” rằng cần phải dùng văn chương để kết nối hoà giải hai bên “vì đại cục” ? Hay là để chứng tỏ cho khẩu hiệu trên trang nhất “vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội” ?





Chú thích: “chiêu tuyết”: bộc bạch nỗi oan của người ta ra cho mọi người đều biết.

Nguồn: xem toàn văn ở đây:
https://giangnamlangtu.wordpress.com/2018/01/12/bat-dau-va-ket-thuc/

Ảnh:

Trang 1 Văn nghệ số 50 (ảnh chụp lại)
Hai trang ruột: phần đầu và phần kết truyện “Bắt đầu và kết thúc”

https://giangnamlangtu.wordpress.com/2018/01/18/su-lieu-mang-cua-bao-van-nghebat-dau-va-ket-thuc/

1 nhận xét:

  1. Tưởng rằng nó lú, thì có chú nó khôn,như thê nayf chứng tỏ là,cả họ nhà nó ngu

    Trả lờiXóa