Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Xét xử ông Thăng ko thể căn cứ dư luận "thương cảm"!

Đồng tình với ý kiến của bác Bùi Văn Xuyền, nhưng nói đi cũng phải nói lại: Không đồng tình với việc kết tội bác Thăng không dựa vào thiệt hại cụ thể, tức là Không thể truy tố bác với những thiệt hại trừu tượng như tòa đang làm hiện nay.
Xét xử ông Đinh La Thăng không thể căn cứ dư luận "thương cảm"!
15/01/2018 Huyền Anh - "Dù anh là cán bộ cấp cao hay người dân bình thường khi đã phạm tội bị điều tra, truy tố xét xử thì đều chịu sự quy định chung về mặt luật pháp. HĐXX không thể căn cứ vào dư luận xã hội để quyết định bản án cuối cùng". Đây là quan điểm của ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội xung quanh việc đâu đó trong dư luận tỏ ra "thương cảm" trước lời tự bào chữa của bị can Đinh La Thăng trong phiên xét xử ngày 13/1.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền
Có ý kiến đánh giá lời tự bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng đi vào lịch sử tố tụng. Với tư cách là Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về phần tự bào chữa này?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Phát biểu trước phiên tòa, quyền tự bào chữa, nói lời sau cùng là quyền của các bị cáo… Còn họ nói cái gì là ý kiến cá nhân của họ. Luật pháp quy định, bị can bị cáo có quyền trình bày.

HĐXX cũng chỉ lấy đó là một trong những căn cứ để đánh giá toàn bộ quá trình giải quyết vụ án, đánh giá toàn bộ nhân thân của bị can, bị cáo… Tất cả những điều này phục vụ cho mục đích cuối cùng đưa ra được bản án tâm phục, khẩu phục, được bản thân bị can, bị cáo thấy tâm phục, khẩu phục và dư luận xã hội, người dân theo dõi cũng thấy được thỏa đáng.

Tôi nhắc lại, tất cả những tình tiết, trong đó có cả những lời nói sau cùng của bị can, bị cáo, tâm tư của bị can, bị cáo… đều được đánh giá và xem xét giúp HĐXX ra bản án cuối cùng.

Trong lời bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng có một chi tiết tạo nên sự thương cảm của nhiều người đó là lời kể về nơi giam giữ “chật chội, tối tăm”. Thậm chí, có ý kiến xin được đi tù thay, kêu gọi “trắng án” cho bị cáo Đinh La Thăng, … ông đánh giá như thế nào về những vấn đề này?


ĐB Bùi Văn Xuyền: Rõ ràng khi đã vào trại tạm giam thì mọi bị can đều giống nhau, làm gì có buồng giam riêng cho lãnh đạo trước đây. Nhà nước đều đã có quy định cụ thể về tạm giữ, tạm giam. Đã bị tạm giam, tạm giữ đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo điều kiện cơ sở vật chất hiện nay.

Việc người ta tâm tư, nói trước tòa là quyền của họ. Dư luận cho rằng thế này thế khác cũng là quyền của dư luận thôi. Nhưng dù anh là cán bộ cấp cao hay cấp thấp hay người dân bình thường khi đã phạm tội đã bị điều tra, truy tố xét xử thì đều đã có quy định chung về mặt luật pháp chứ không có thiên vị.

Điều này đảm bảo mọi người đều công bằng, bình đẳng trước pháp luật kể cả trong giam giữ, trong xét xử và sau này là thi hành án. Tất cả đều công bằng trước pháp luật, anh nào có tình tiết tăng nặng thì phải xác định để thêm vào, anh nào có bao nhiêu tình tiết giảm nhẹ theo quy định của luật pháp thì cũng được xem xét.

Trào lưu đề nghị HĐXX tuyên trắng án đối với Đinh La Thăng theo tôi đó là dư luận xã hội. Còn có án hay không, mức độ như thế nào thì do HĐXX quyết dựa trên căn cứ hồ sơ vụ án, nội dung thẩm vấn, tranh luận, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để ra một bản án sau cùng chứ không phải căn cứ vào dư luận để ra bản án.

Dư luận có thể có tác động đến tâm lý tình cảm của HĐXX nhưng không ai dám đi ngược giám sát của người dân, của cơ quan chức năng cũng như là căn cứ vào hồ sơ, vào việc xét xử công khai tại tòa với những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hậu quả của hành vi và mức độ ăn năn hối cải, sửa chữa bồi thường hậu quả. Do đó, HĐXX không thể căn cứ vào dư luận xã hội để quyết định bản án cuối cùng được.

Một bị cáo khác cũng được nhắc đến nhiều trong vụ án này là Trịnh Xuân Thanh, khi mới đây gia đình bị cáo này đã tự nguyện nộp 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Theo ông, đây có phải là tín hiệu tốt cho công cuộc thu hồi tài sản tham nhũng vốn từ trước đến nay không được đánh giá hiệu quả? Và điều này có cần được pháp luật ghi nhận?

ĐB Bùi Văn Xuyền: Bị cáo tự nguyên nộp tiền khắc phục hậu quả trong quá trình xét xử là việc rất tốt. Bởi vì, thứ nhất các cơ quan tiến hành tố tụng từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn truy tố kể cả đến giai đoạn xét xử sau này… luôn luôn khuyến khích các bị can nhận thức được vấn đề về mặt luật pháp để khai báo thành khẩn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều tra nhanh chóng. Thứ hai là vấn đề khắc phục hậu quả để lại. Theo tôi khắc phục càng nhiều càng tốt. Đấy là một trong những tình tiết giảm nhẹ trong quá trình điều tra, truy tố xét xử đối với bị can, bị cáo.

Theo quy định của Luật tố tụng hình sự thì các chi tiết giảm nhẹ gồm: ăn năn hối cải, thành khẩn, tạo điều kiện giúp đỡ cho cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra kết thúc vụ án, khắc phục hậu quả xảy ra… Khi bị cáo nhận thức được những sai phạm của mình tự nguyện khắc phục thì đó là những điều rất tốt, nên khuyến khích.

Thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những biện pháp tốt nhất giúp bị cáo có tình tiết giảm nhẹ hình phạt, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.

Đối với án kinh tế, theo tôi nếu người ta khắc phục được rất nhiều hậu quả xảy ra thì có thể ra mức án nhẹ nhất, thậm chí miễn trách nhiệm hình sự, bởi án kinh tế suy cho cùng thiệt hại kinh tế. Tất nhiên việc xử lý răn đe là phải theo luật.

Xin cảm ơn ông!
http://infonet.vn/xet-xu-ong-dinh-la-thang-khong-the-can-cu-du-luan-thuong-cam-post251639.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét