Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Bộ trưởng mà được duyệt GS thì dân có quyền kiện?

Bộ trưởng mà được xét duyệt GS thì người dân có quyền kiện?
7/2/2018 GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, dư luận về việc “chạy phiếu” xét duyệt GS, PGS là rất phổ biến, thậm chí biết rõ chạy cho ai, bao nhiêu, “nhưng vấn đề là chưa ai công khai”... “GS mà không đi dạy thì không còn là GS nữa, giáo ở đây chính là dạy học. Bộ trưởng, chính khách thì còn là GS làm gì!”, TS Hồ Ngọc Hải nói. Theo ông, xã hội mong muốn việc phong GS, PGS phải hoàn toàn gắn với một cơ sở đào tạo, nó phải là một chức danh nghề nghiệp, gắn với nhiệm vụ đào tạo.
Các chuyên gia phản biện vấn đề đào tạo sau đại học
Như tin đã đưa, Hội đồng Chức danh Giáo sư (GS) nhà nước vừa công bố danh sách 1.226 Giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) được xét duyệt năm 2017 - con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41 năm nhà nước tổ chức xét phong/công nhận đạt tiêu chuẩn phó GS, PGS.

Điều đáng nói, trong số GS, PGS được xét duyệt, số người có công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí ISI/Scopus rất thấp. Vì sự “bất thường” này mà dư luận đã rất ầm ĩ về vấn đề này suốt mấy ngày qua.

Ngày 7-2, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn (HĐTV) Khoa học – Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện về đào tạo sau đại học, một lần nữa vấn đề này được các chuyên gia lên tiếng rất thẳng thắn.

"Chuyến tàu vét"?

Vừa qua, nhiều chuyên gia nghi ngờ: Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến cho Dự thảo quy định tiêu chí xét duyệt GS, PGS mới với nhiều tiêu chí khắt khe hơn, liệu năm 2017 có là “chuyến tàu vét”, nên số GS, PGS được xét duyệt mới tăng đột biến như vậy? Trong khi đó, có nhiều người đủ tiêu chuẩn cứng vẫn bị “rớt” vì không vượt qua vòng bỏ phiếu. Đáng chú ý, trong danh sách các GS, PGS năm 2017, có nhiều người làm quan chức, không tham gia hoạt động giảng dạy, vậy nên dư luận càng băn khoăn?.

Khi lý giải về sự đột biến tăng số lượng các GS, PGS được xét duyệt năm 2017, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước Trần Văn Nhung cho rằng, có hai lý do: thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng; các ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.

Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước nhấn mạnh, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên.

Tại hội nghị phản biện, PGS-TS Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển đã rất gay gắt khi phát biểu về vấn đề này. Ông cho rằng, phải chuyển ngay việc xét duyệt GS, PGS về cho các trường đại học.


TS Hồ Ngọc Hải, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, GS phải gắn với cơ sở đào tạo.

“GS mà không đi dạy thì không còn là GS nữa, giáo ở đây chính là dạy học. Bộ trưởng, chính khách thì còn là GS làm gì!”, TS Hồ Ngọc Hải nói.
Theo ông, xã hội mong muốn việc phong GS, PGS phải hoàn toàn gắn với một cơ sở đào tạo, nó phải là một chức danh nghề nghiệp, gắn với nhiệm vụ đào tạo.

“Việc phong tặng GS, PGS phải trả về đúng bản chất, quy luật của nó”, TS Hồ Ngọc Hải nói.

Có tiêu cực?

Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học – Giáo dục và Môi trường, cho rằng, dư luận về việc xét duyệt GS, PGS có tiêu cực đã có từ lâu nhưng không ai muốn chỉ đích danh.

“Đến năm 2017 này thì việc xét duyệt đã trở lên thái quá. 1.226 người được xét duyệt GS, PGS thì đúng là “tàu nhanh”- ông Vũ Hào Quang bức xúc khi trao đổi với SGGP.
Ông cho biết, trong giới râm ran câu chuyện “Ứng viên PGS đi "tàu nhanh". Ứng viên GS đi "củ hành"", ý nói việc xét duyệt GS, PGS có rất nhiều tai tiếng, nhất là các ứng viên GS thực sự giỏi bị gây phiền nhiễu rất nhiều thủ tục. Trong khi đó, Hội đồng chức danh GS có nhiệm kỳ 5 năm, có một số người “thích ai thì bỏ phiếu” cho người đó vì bỏ phiếu không phải ký tên.
“Nhiều người giỏi thì bị trượt, còn ai quan hệ tốt thì qua”, ông Vũ Hào Quang nêu.
Cũng theo ông, nếu cứ xét duyệt và phong GS, PGS dễ dàng như thế rồi ăn lương nhà nước thì rất “gay go”. Nhiều giảng viên mức lương bậc 2 (hệ số 2,67, nhận lương 5 triệu/tháng) được phong PGS, sau một đêm ngủ sáng dậy có quyết định nâng lương với hệ số 6,2, nhận lương 10 triệu/tháng. Nếu không có thông tư này, giảng viên tiến sĩ phải phấn đấu 30 năm mới có hệ số lương 6,2. Từ bậc 3,2 lên 6,2 bằng 30 năm công tác.

“Nhiều người cơ quan tôi còn kêu lên: 1 năm bằng 3 chục năm hỡi giời. Nhiều người là PGS về hưu cũng chỉ hưởng lương 6,2 thôi, mà họ mất 30-40 năm mới về hưu để hưởng bậc lương đó, trong khi còn nhiều người rất trẻ chỉ sau 1 đêm được phong tặng thì đã có mức lương rất cao. Như vậy là bất công. Vì thế nhiều người kêu lắm, họ cho rằng, tham nhũng là ở đây chứ đâu, báo chí cần lên tiếng mạnh mẽ vẫn đề này. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét”, ông Vũ Hào Quang nói.

Theo ông Vũ Hào Quang, hội đồng liên ngành là đáng lo ngại nhất, vì có nhiều thông tin về tiêu cực, họ thường gạt những ứng cử viên giỏi.
“Tôi đề nghị giải tán ngay Hội đồng GS ở cả 3 cấp, chỉ còn lại hội đồng ở cấp nhà trường, tức là giao việc xét duyệt GS, PGS về cho nhà trường. Còn chưa hết nhiệm kỳ thì đề nghị Hội đồng bỏ phiếu phải ký tên, không để tình trạng bỏ phiếu phải ký tên”, ông Quang nói.

GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết, dư luận về việc “chạy phiếu” xét duyệt GS, PGS là rất phổ biến, thậm chí biết rõ chạy cho ai, bao nhiêu, “nhưng vấn đề là chưa ai công khai”.
“Bộ Chính trị xử lý tham nhũng không có vùng cấm. Vậy tại sao ở đây không làm được? Ai cũng nói là biết rõ nhưng không dám nói”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Ông cũng cho biết bên cạnh những “lời đồn” đó thì có những người rất xứng đáng vẫn trượt. Đơn cử Cục trưởng Cục Quân y, ai cũng nói là rất giỏi, rất đầy đủ tiêu chuẩn, rất xứng đáng, nhưng vẫn trượt, vì thiếu 2 phiếu. Vì thế, cần phải làm lại, chấn chỉnh lại việc xét duyệt, công nhận GS, PGS để “đỡ mang tiếng”.

Một số ý kiến cũng cho rằng, GS, PGS cũng phải có thời hạn, không phải là được công nhận cả đời như hiện nay. Và chỉ công nhận GS, PGS khi họ còn làm công tác giảng dạy, hết dạy là hết GS, PGS. Và chỉ có giảng viên đại học trở lên mới cần công nhận GS, PGS. Bộ trưởng, Thứ trưởng, những người làm công tác quản lý cũng không cần được xét duyệt GS, PGS.

Ông Vũ Hào Quang cũng cho rằng, như năm nay Bộ trưởng Bộ Y tế nếu được công nhận GS thì người dân thậm chí "có quyền kiện" vì Bộ trưởng đã dành thời gian làm công tác quản lý nhà nước để nghiên cứu, giảng dạy, tức là “làm GS”.

PHAN THẢO
http://www.sggp.org.vn/bo-truong-ma-duoc-xet-duyet-gs-thi-nguoi-dan-co-quyen-kien-498754.html

1 nhận xét: