Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Thủ tướng trả lời chất vấn về nợ công và GDP

Thủ tướng trả lời chất vấn về nợ công và biến động của GDP
05/02/2018 - Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ về vấn đề nợ công, ODA và biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
GDP biến động phù hợp với chu kỳ sản xuất
Theo đó, về biến động của tốc độ tăng trưởng kinh tế, văn bản cho biết, tăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh quý I bị ảnh hưởng nhiều vì trùng với dịp nghỉ lễ, Tết cổ truyền. 

Các hoạt động sản xuất (cả công nghiệp và nông nghiệp), kinh doanh, xây dựng, đầu tư, tín dụng thường không bắt đầu sôi động ngay vào đầu năm, chủ yếu tập trung vào quý IV cuối năm, là cơ hội để gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để phục vụ các dịp lễ Tết, đồng thời cũng là thời điểm kết thúc niên độ ngân sách của năm, nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trước khi bước sang năm mới.

Tốc độ tăng trưởng GDP có sự khác biệt giữa các quý trong năm với mức độ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tình hình kinh tế của năm đó. Với những năm có những biến chuyển kinh tế tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP cao thì sự khác biệt này là lớn hơn. Sự biến thiên giữa các quý của tốc độ tăng GDP cũng phù hợp với sự thay đổi theo chu kỳ của các yếu tố khác như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đầu tư, xuất nhập khẩu...

“Tốc độ tăng trưởng GDP là chỉ tiêu kết quả, chịu sự tác động của yếu tố chu kỳ sản xuất, chu kỳ tăng trưởng và yếu tố mùa vụ của các hoạt động kinh tế. Hiện tượng tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong năm, nhưng quý I năm sau thấp hơn quý IV của năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá là phản ánh đúng chu kỳ và mùa vụ trong tăng trưởng của năm.” – Văn bản trả lời của Thủ tướng giải thích rõ và cho biết, qua tổng hợp cho thấy, cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP quý I chiếm khoảng 18%; quý II chiếm 24%; quý III chiếm 26% và quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP cả năm, trong đó Quý IV có tỷ trọng lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất quyết định kết quả tăng trưởng của cả năm.

Việc tính toán GDP theo quý là nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm. Để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thì cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài hạn.

Về nợ công và ODA, văn bản trả lời của Thủ tướng nêu rõ: Theo chức năng và nhiệm vụ được giao, hàng quý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, đã có báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ để Ban Chỉ đạo xem xét, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017 nguồn vốn ODA và vay ưu đãi, nhằm xây dựng báo cáo toàn diện, đầy đủ về những kết quả đạt được, những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai làm việc cụ thể với các chủ dự án, cơ quan chủ quản, nhà tài trợ và các cơ quan liên quan, đề nghị cho ý kiến về nhu cầu và khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn cấp phát từ ngân sách trung ương sát thực tế nhất có thể trong từng năm 2018, 2019, 2020. Số lượng dự án và đối tượng được khảo sát, lấy ý kiến là tương đối lớn nên mất nhiều thời gian để tổng hợp báo cáo. Hiện vẫn còn một số cơ quan, tổ chức chưa có ý kiến trả lời.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành soát lại tổng thể nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài từ ngân sách trung ương trong các năm 2018-2020, bao gồm: (i) Các dự án mới ký hiệp định; (ii) Các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư và đang chuẩn bị đàm phán, ký kết hiệp định; (iii) Các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây; (iv) Các dự án chuyển đổi cơ chế tài chính từ bảo lãnh hoặc cho vay lại vốn nước ngoài sang cấp phát từ ngân sách nhà nước; (v) Các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa quyết toán.

Sau khi tổng hợp được nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài các năm 2018 -2020 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cho ý kiến trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


ĐBQH Hoàng Quang Hàm

Xem xét các phương án hoãn, giãn tiến độ các dự án

Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài và tác động đến trần nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương, đã bao gồm 30 nghìn tỷ đồng thuộc khoản dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã căn cứ vào thực tế giải ngân nguồn vốn nước ngoài các năm trước và tính khả thi của việc giải ngân nguồn vốn này trong giai đoạn 2016 - 2020, theo đó với số vốn trung hạn 270 nghìn tỷ là cơ bản đáp ứng được yêu cầu giải ngân thực tiễn của các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, đã ký kết hiệp định và đang thực hiện.

Bên cạnh đó, để thực hiện chủ trương tranh thủ và tận dụng cơ hội sử dụng nguồn vốn ưu đãi (như IDA, ADF) trước khi nước ta hoàn toàn tốt nghiệp ODA do đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương và triển khai đàm phán, ký kết một số hiệp định dự án mới trong 2 năm 2016 và 2017 với số vốn khả năng có thể giải ngân khoảng 29 nghìn tỷ đồng (phù hợp với khoản dự phòng của nguồn vốn nước ngoài trong kế hoạch trung hạn là 30 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng kế hoạch trung hạn nguồn vốn nước ngoài, có một số tình huống phát sinh ngoài dự kiến như: Khoản vốn của các dự án sử dụng vốn nước ngoài đã giải ngân từ năm 2016 trở về trước nhưng chưa quyết toán (14.033,795 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua và sử dụng một phần trong dự phòng trung hạn); các dự án đang thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn tới tăng nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài so với trước đây (dự án tuyến đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh); một số dự án dự kiến chuyển đổi cơ chế tài chính từ cho vay sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp (như 4 dự án đường cao tốc của VEC, dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng)...

Như vậy, theo Thủ tướng, trong trường hợp những khoản phát sinh ngoài dự kiến tiếp tục được Quốc hội xem xét, thông qua thì việc rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 nguồn vốn nước ngoài là cần thiết. Trong đó, cần xem xét các phương án hoãn, giãn tiến độ các dự án, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn phù hợp với giới hạn trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách trong các năm còn lại của kế hoạch trung hạn, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả đầu tư cũng như mối quan hệ đối ngoại giữa nước ta và các đối tác phát triển, các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2018, khi nước ta “tốt nghiệp” hoàn toàn ODA thì các dự án sử dụng nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn cần được xem xét thận trọng, tổng mức vốn nước ngoài sẽ giảm dần do hạn mức vay vốn của các địa phương là có hạn.

Xuân Hưng
https://baomoi.com/thu-tuong-tra-loi-chat-van-ve-no-cong-va-bien-dong-cua-gdp/c/24866238.epi

GDP quý I.2017 chỉ đạt 5,15% nhưng tăng trưởng mạnh mẽ trong các quý II, III, IV năm 2017 

Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2017 (Ảnh: I.T)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét