Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Ông Phan Văn Khải … và Vấn đề thực quyền

Chú ý đoạn này phản ánh bản chất của chính quyền cộng sản: "Chính vì thế mà khi Thủ tướng Phan Văn Khải tiến cử ông Vũ Khoan thay mình thì trong cuộc họp đó, Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng mà có người nói lại với tôi là, thái độ rất du côn! Như hàng tôm hàng cá! Để “giữ ổn định”, người ta đã chọn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng để tàn phá đất nước này 10 năm sau đó…". Trong blog này, đã nhiều lần tôi bình luận, trong chế độ cộng sản, quyền lực xuất phát từ họng súng. Ai nắm được súng, kẻ đó có thực quyền. Do đó để được làm lãnh đạo quốc gia thực quyền, nhất định phải nắm được quân đội, tức là Quân ủy Trung ương. Nắm được quân đội không phải là được phong chức Đại tướng (dù không công khai) hay tham gia, làm Ủy viên Quân ủy Trung ương (do Tổng Bí thư theo luật đã tự động lấy mất chức Bí thư Quân ủy), mà phải kết thân chặt chẽ và chỉ huy được các tướng lĩnh quân đội để luôn luôn chiếm được đa số phiếu mỗi khi biểu quyết trong Quân ủy Trung ương, phải làm sao để hầu hết các tư lệnh quân khu, tư lệnh các binh đoàn chủ lực, các lãnh đạo quân đội cấp cao ở Trung ương (Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Tư lệnh lực lượng tình báo...) đều ủng hộ mình, toàn tâm toàn ý với mình, hoàn toàn tuân theo mệnh lệnh của mình và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mình trong mọi tình huống. Tập Cận Bình hay Putin hiện nay là những người như thế. Lãnh đạo nước ta hiếm người được như thế, nên thường là có chức mà không có thực quyền (điển hình là Nông Đức Mạnh, là Bí thư Quân ủy Trung ương nhưng các tướng chỉ giả vờ nghe) hay phải chia quyền cho một nhóm vài người. Đáng buồn là trong 10 năm 2006-2016, thực quyền ở nước ta lại rơi vào tay một kẻ "du côn" (từ dùng trong bài dưới).
Ông Phan Văn Khải … như tôi đã biết

FB Lê Phú Khải - Lúc Phan Văn Khải đang là Thủ tướng thì chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Không có chuyện Thường vụ Bộ Chính trị lại thừa lệnh của Ủy viên Bộ Chính trị cả! Tôi quay lại, thì ra Vũ Đức Đam, lúc đó là trợ lý của cố vấn Võ Văn Kiệt. Tôi điên quá, trừng mắt nhìn anh chàng thư sinh này, thì ông Nguyễn Tấn Thịnh, phó ban kinh tế Trung Ương Đảng đã vội ngăn tôi lại, không để ra to tiếng. Than ôi! Chính vì thế mà khi Thủ tướng Phan Văn Khải tiến cử ông Vũ Khoan thay mình thì trong cuộc họp đó, Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng mà có người nói lại với tôi là, thái độ rất du côn! Như hàng tôm hàng cá! Để “giữ ổn định”, người ta đã chọn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng để tàn phá đất nước này 10 năm sau đó…
Hình minh họa
Mấy ngày nay, tin về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải lâm trọng bệnh, khó lòng qua khỏi, tự dưng những kỷ niệm cũ về ông như một cuốn phim quay chậm, cứ hiện lên trong đầu tôi. Ông không phải là một nhân vật lớn hiểu theo nghĩa rộng, nhưng ít nhất, ông giữ một chức vụ lớn, Thủ tướng nước Việt đến gần 2 nhiệm kỳ (10 năm), sự chấp chính của ông có ảnh hưởng không nhỏ đến thịnh suy của đất nước trong một thời kỳ nhiều biến động của thời cuộc.

Một con người, một cuộc đời, một nhân vật như thế ra đi, ắt hẳn có nhiều lời bình phẩm, đánh giá công tội của thế gian. Đó là điều đương nhiên, tất yếu: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” như ông bà mình vẫn nói! Tôi không dám làm công việc “đánh giá của lịch sử”, nhưng tôi biết rất rõ về ông từ lúc còn “hàn vi” ở Hà Nội đến khi trở thành một ông lớn đứng đầu chính phủ. Hơn nữa, là một nhà báo, là người quan sát (observateur) công việc của năm đời Thủ tướng từ Phạm Văn Đồng đến Phạm Hùng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và ông (Phan Văn Khải)… tôi chỉ nói những điều mình biết, mình chứng kiến tận mắt, nghe tận tai để góp chút tư liệu cho người đời biết về một con người đã từng làm nên những vui buồn cho họ, cho cái đất nước tươi đẹp và đau khổ này (!)

Vào đầu năm 1966, ông Nguyễn Văn Trân (tức Bẩy Trân), một cán bộ cao cấp của Miền Nam ra Bắc tập kết đã dẫn một đôi vợ chồng trẻ đến nhà tôi chơi và giới thiệu. Người vợ là chị Nguyễn Thị Sáu, cháu gọi ông bằng chú ruột, còn người chồng là Phan Văn Khải (Sáu Khải) mới đi học ở Liên Xô về. Từ đó vợ chồng Phan Văn Khải trở thành khách của gia đình tôi cùng với ông Bẩy Trân trong những ngày lễ tết, như 2-9, Tết Nguyên đán hàng năm. v.v…

Số là, sau hòa bình 1954, tập kết ra Bắc, Nguyễn Văn Trân chờ Trung ương bố trí một trọng trách. Duyên nợ thế nào, ông Bẩy Trân lại trở thành sui gia (Miền Bắc kêu là thông gia) với bố mẹ tôi. Vì ông có người con nuôi là Tám Trọng, quê Long An lấy bà chị ruột của tôi là Lê Thị Thuận, đang làm công an hộ khẩu ở khu Ba Đình Hà Nội (lúc đó gọi là khu). Đùng một cái, Bẩy Trân mắc nạn vì trong lúc chờ đợi phân công công tác, ông đi học Trường Đảng Cao Cấp… và dám cả gan cãi lại ông Trường Chinh đến giảng ở Trường Đảng về vụ Thanh Niên Tiền Phong ở Nam Bộ trong Cách Mạng Tháng Tám 1945. Ông Trường Chinh giảng rằng Thanh Niên Tiền Phong của Nhật dựng lên để phá cách mạng. Bẩy Trân cãi lại, là của ta, do chính Bẩy Trân đề nghị Phạm Ngọc Thạch đứng ra phụ trách, ngoài là của Nhật, trong là của ta! Thế là Bẩy Trân phải về vườn ở tuổi ngoài 50! Lúc dẫn vợ chồng Phan Văn Khải đến nhà tôi giới thiệu, thì Bẩy Trân đã được… “nghỉ hưu”!!!

Một lần vào dịp 30 Tết, ông Bẩy và vợ chồng Phan Văn Khải đến nhà tôi ăn Tết ở làng Hoàng Mai (ngoại vi Hà Nội). Lúc mẹ tôi đang bóc bánh chưng bầy cỗ thì Phan Văn Khải xuống bếp, ông “góp ý” với mẹ tôi: Năm ngoái cháu thấy bác bóc mỗi mâm hai cái bánh chưng to, nhưng người ta chỉ đụng đũa vào có một cái bánh, cái kia vẫn còn nguyên. Vậy năm nay, bác chỉ bóc một cái cho một mâm là đủ (!). Mẹ tôi giải thích cho ông Khải: Vì cái mâm đồng to, nếu chỉ bóc một cái bánh thì người ngồi phía bên kia muốn ăn bánh phải với tay sang, như thế không tiện. Nên cứ phải bóc hai bánh, mỗi bên một cái.

Lúc Sáu Khải lên nhà trên rồi, mẹ tôi mắng tôi: Người ta là dân miền Nam giầu có, mà biết tiết kiệm, còn anh thì cứ hai tay đút túi quần, đồ vô tích sự. Đối với mẹ tôi và cả dân miền Bắc nói chung, hễ là người Miền Nam thì là dân giàu có! Hay ít nhất cũng sinh ra ở miền đất giầu có, ra bắc chịu khổ cực nên phải được chiếu cố. Mẹ tôi luôn khen cái tính tiết kiệm của Phan Văn Khải và rất quý mến vợ chồng ông. Và không ngày lễ Tết nào không mời ông sui gia Bẩy Trân và vợ chồng Phan Văn Khải đến chung vui. Sau ngày đất nước thống nhất, một lần mẹ tôi vô Sài Gòn, tôi đã mượn một cái xe mô-bi-lét chở mẹ tôi đi thăm ông sui gia Bẩy Trân ở Gò Vấp và các anh chị cán bộ miền Nam tập kết từng đến nhà tôi chơi. Sau cùng, tôi hỏi mẹ tôi: Còn anh Sáu Khải mẹ có đến thăm con chở đi. Mẹ tôi ngần ngại nói: Nghe chị mày (tức vợ Tám Trọng) nói, giờ anh ấy làm to lắm (Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh), sợ đến chơi người ta tưởng lầm mình đến nhờ vả gì, thôi không đến…

Khi Sáu Khải trở thành Thủ tướng Phan Văn Khải rồi, lúc nói chuyện với các nhà báo đứng vây quanh, hỏi han, phỏng vấn, Thủ tướng đều xưng hô với các nhà báo là “các đồng chí”. Nhưng một lần bất chợt nhìn thấy tôi, ông nói: Mày dạo này thế nào? Mọi người đều ngạc nhiên về cách xưng hô đó dành cho tôi. Sau có người hỏi: Sao lại gọi ông là mày?! Tôi “giải thích”: Vì tôn trọng các anh nên ông ấy gọi là đồng chí, còn “khinh” tôi nên gọi là mày, vậy thôi. Mọi người đều cười.

Có lần, trong một cuộc họp chính phủ với các lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giờ giải lao, Thủ tướng khoác vai tôi đi dọc hành lang dinh Thống Nhất nói chuyện. Ông hỏi tôi: Mày dạo này sinh sống ra sao, có cần tao giúp đỡ gì không? Tôi trả lời: Ít khi được gặp anh, em không muốn nói chuyện riêng tư của gia đình mình, em muốn anh biết về cái xã hội… Tôi chưa nói hết lời thì Sáu Khải đã nói: Thối nát lắm rồi phải không?

Thì ra Phan Văn Khải đã nhìn ra cái xã hội VN đã “thối nát lắm rồi” khi ông đang ngồi trên ghế Thủ tướng!

Trước khi dời ghế Thủ tướng, Phan Văn Khải đã đề nghị, tiến cử ông Vũ Khoan (lúc đó là Phó thủ tướng) lên thay mình. Tôi xin mở ngoặc ở đây nói một chi tiết có tính quái gở như sau. Lúc Phan Văn Khải đang là Thủ tướng thì chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Vì thế sau cơn bão số 5 đổ bộ vào hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang ngày 2/11/1997 gây thiệt hại rất lớn, tại cuộc họp khẩn cấp ở TP.HCM để khắc phục cơn bão này có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, cố vấn Võ Văn Kiệt dự ngay lúc đang họp, tôi đã viết một cái tin về cuộc họp này để sau đó, lập tức đọc qua điện thoại để Đài Tiếng nói VN ở Hà Nội phát ngay cái tin đó vào buổi thời sự 12 giờ trưa. Đây là thế mạnh tuyệt đối của đài phát thanh, hơn hẳn báo viết và truyền hình, vì thế các cuộc đảo chính, người ta chỉ chăm chăm chiếm đài phát thanh quốc gia. Tôi đang hý hoáy viết: “Thừa lệnh của Thủ tướng Phan Văn Khải, phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị, có cố vấn…”, thì từ phía sau, một bàn tay đập mạnh vào vai tôi nói: Nhà báo không thuộc bài à? Không có chuyện Thường vụ Bộ Chính trị lại thừa lệnh của Ủy viên Bộ Chính trị cả! Tôi quay lại, thì ra Vũ Đức Đam, lúc đó là trợ lý của cố vấn Võ Văn Kiệt. Tôi điên quá, trừng mắt nhìn anh chàng thư sinh này, thì ông Nguyễn Tấn Thịnh, phó ban kinh tế Trung Ương Đảng đã vội ngăn tôi lại, không để ra to tiếng. Than ôi!

Chính vì thế mà khi Thủ tướng Phan Văn Khải tiến cử ông Vũ Khoan thay mình thì trong cuộc họp đó, Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng mà có người nói lại với tôi là, thái độ rất du côn! Như hàng tôm hàng cá! Để “giữ ổn định”, người ta đã chọn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng để tàn phá đất nước này 10 năm sau đó…
Trong đời tư, Thủ tướng Phan Văn Khải bị mang tiếng nhiều về thằng con Hoàng Ty “cậy thế bố làm lớn” phá phách. Nhưng thực ra không phải thế. Các cụ ta nói: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Thằng Hoàng Ty nó là đứa trẻ ngỗ ngược, quậy phá từ lúc bố nó còn hàn vi ở ngoài Hà Nội, nhà nghèo (mà lúc đó ai chả nghèo). Khi bố là cán bộ Ủy ban Kế hoạch nhà nước đi duyệt kế hoạch cho các đơn vị, Hoàng Ty được bố cho đi để được “ăn theo” bố bữa trưa. Giống như đứa trẻ mẹ thiếu sữa phải đi bú ti nhờ bà hàng xóm, vì thế nó mới chết tên là Hoàng Ty. Vì thế có lúc ông Khải gửi Hoàng Ty đi học xa để nó bớt gây phiền phức cho ông. Điều này chỉ có ai biết mới thông cảm cho Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nhiệm kỳ từ 1997 đến 2006, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa VN vượt được cơn khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997-1998, giữ cho kinh tế VN tăng trưởng cao và ổn định. Cũng trong nhiệm kỳ của ông đã ra được Luật doanh nghiệp 1999, sửa đổi luật đất đai, luật tổ chức tán tụng và thuế. Nhiều chính sách của Chính phủ Phan Văn Khải đã giảm bớt được nhiều phiền hà như bỏ nhiều “giấy phép con” cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp thời kỳ này phát triển tốt. Thừa hưởng được đà phát triển của Chính phủ Võ Văn Kiệt trong việc gia nhập ASEAN, AFTA, Chính phủ Phan Văn Khải đã hoàn tất Hợp đồng thương mại song phương với Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế, trí thức ở Hà Nội đã ca ngợi Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo điềm đạm, dám nghe và lắng nghe những lời nói thật. Ông cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam đầu tiên đi thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2005.

Trong việc giữ nước, ông với tư cách là Thủ tướng khi sang Trung Quốc đã kiên quyết không thỏa thuận về Biên giới 1999-2000, trong khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã “ok”! Chỉ còn chờ có Chính phủ. Đây là một dấu son trong cuộc đời và sự nghiệp chính trị của ông Phan Văn Khải với đất nước.

Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến một đoạn ca từ trong nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ An Thuyên có tên là “Neo đậu bến quê”: “Lang thang đi bốn phương trời, nay về sông quê tắm mát; Sông Lam biết khi mô cho cạn, đục trong Vinh-Nhục hỡi người…”. Dấn thân vào chính trường, ông Phan Văn Khải có cả vinh lẫn nhục. Đó là lần ông Khải cầm giấy mà đọc có mấy câu trong cuộc tiếp xúc với tổng thống Bush năm 2005. Thiên hạ cho là ông đã làm nhục quốc thể VN khi không đủ bản lĩnh, phải cầm giấy mà đọc trước mắt cả trăm triệu người xem truyền hình. Nhưng đa số nhân dân, trong đó có tôi, thì cuộc đời chính trị của Phan Văn Khải vinh nhiều hơn nhục. Được thương nhiều hơn là ghét.

Vậy ông có thể mỉm cười nơi chín suối. Mẹ tôi đang chờ ông ở dưới đó, bà rất thương tính tiết kiệm của ông.

Lê Phú Khải


Trong bài có một chi tiết, nói về chuyện TT Phan Văn Khải khi qua Mỹ, gặp TT George W. Bush năm 2005, ông đã phải cầm giấy đọc. Tiếng Dân xin được bào chữa cho ông Khải: Thật ra, lúc đó ai ở vị trí của ông Phan Văn Khải cũng đều phải làm như vậy. Cũng cần lưu ý, ông Khải là lãnh đạo đầu tiên của Chính phủ Việt Nam sang thăm Mỹ kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975.

Mặc dù ông Khải là thủ tướng, là người đứng đầu chính phủ CSVN, nhưng ông là người của Bộ Chính trị, do BCT quản, ông không được quyền nói bất cứ điều gì ông nghĩ, mà chỉ nói những điều ông được phép nói, những phát biểu của ông ở Mỹ phải được BCT duyệt trước, ông phải ghi ra giấy, nếu nói sai là không còn đường quay về với đảng. Đảng “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối” mà, làm gì có chuyện ông Khải được tự do phát biểu?!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét