Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018

Tại sao ‘Nhà sản’ phải tróc thuế tài sản?

Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân. Xã hội cùng dân chúng lâm vào cảnh thảm thương đọa đày – chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp: “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.”
Nguồn cơn nào khiến ‘Nhà sản’ phải tróc thuế tài sản?
“Nhà Sản” – biệt danh mang tính châm biếm của dân gian đặt cho chính quyền cộng sản ở Việt Nam – vừa “kiến tạo” thêm một sắc thuế, nhưng cũng đồng thời để lộ ra tình trạng ngân sách năm 2018 tiếp tục bội chi lớn, hụt thu đáng kể và chẳng biết tương lai đi về đâu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – một “đầu sai” của đảng, và 
“chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.” Ảnh: Cali Today
Bộ Tài chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – một “đầu sai” của đảng dùng riêng cho nhiệm vụ “thu cùng diệt tận giai đoạn cuối” – đang vội vã xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,4%. Như vậy, giá trị nhà càng cao, thì số tiền thuế phải nộp sẽ càng nhiều.

Đến lúc này, ngay cả tờ báo Lao Động của chính quyền cũng phải giật một cái tít hiếm thấy: “Động não kiếm tiền quá khó, đánh vào túi dân rất dễ”, cho biết “dư luận phản ứng dữ dội khi báo chí đưa tin, trong dự luật Thuế Tài sản, Bộ Tài chính đưa ra phương án toàn bộ nhà ở trị giá hơn 700 triệu đồng phải nộp thuế 0,4%… Dân chưa kịp thở để lấy sức trước chính sách thuế này, đã phải thất kinh vì chính sách khác. Tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường chưa đủ nên tiếp tục nghĩ cách tăng khác”.

Nếu Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang bị dư luận xã hội cáo buộc về liên đới trách nhiệm với vụ nhập hàng triệu viên thuốc ung thư giả mà có thể đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải chết đến hai lần, hậu quả mà Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng gây ra khi đề xuất tăng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% từ năm 2019, cùng hàng loạt sắc thuế đè đầu dân khác, cũng có thể gây tác hại ghê gớm không kém tính độc dược của thuốc ung thư giả.

Mưu đồ tăng thuế VAT lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện “bóp cổ bóp họng” và “không có tiền thì chỉ có chết,” sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…

Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức Bộ Tài Chính đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.

Ngay trước mưu đồ tăng thuế VAT, Bộ Tài Chính đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.

Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể “móc túi” dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.

Nếu kế hoạch đánh thuế tài sản đối với nhà ở và xe hơi đạt “thành công”, ngân sách chính quyền sẽ có thêm số thu từ 20.000 – 30.000 tỷ đồng hàng năm, bù đắp cho khoảng trống toang hoác.

2017 là năm đầu tiên mà ngân sách bị hụt thu đến hơn 3% so với sụ toán đầu năm, nếu không tính đến khoản “bán mình” – tức 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco (Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát).

Kết quả thu ngân sách chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 sẽ có thể còn tồi tệ hơn, nếu không tính tới phần “bán mình”.

Kết quả 96,8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Trong năm 2017, ngay cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến hơn 20%, còn khối doanh nghiệp nhà nước còn tồi tệ hơn cả thế – đã quá đủ để phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 6,7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.

Trong khi đó, một nguồn thu lớn của ngân sách Việt Nam là dầu khí thì lại bị “đồng chí tốt” Trung Quốc siết bức. Trong hai năm 2017 và 2018, lần lượt hai mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh đã bị Bắc Kinh gây sức ép khiến Bộ Chính trị Hà Nội phải “cắm mặt” rút giàn khoan thăm dò mà không dám có phản ứng gì.

Trong tình cảnh hết sức bĩ cực ấy, tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.

Xã hội cùng dân chúng lâm vào cảnh thảm thương đọa đày – chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp: “chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy.”

Thiền Lâm
(Cali Today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét