Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

Nhà khoa học chân chính đều nói ‘không’ với Marx!

Tác giả bài này là Bùi Tín, con ông Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế và nguyên Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bùi Tín là một phóng viên chiến trường khá nổi tiếng. Sau chiến tranh 1975, Bùi Tín chuyển sang làm việc cho báo Nhân dân, giữ chức Phó tổng biên tập báo Nhân dân, kiêm Tổng biên tập tuần báo Nhân dân Chủ Nhật. Tháng 9 năm 1990 Bùi Tín sang Pháp dự hội hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo, báo của Đảng Cộng sản Pháp), rồi xin tỵ nạn tại Pháp, với lý do là để đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền theo cách của ông. Ban đầu ông phê phán đường lối hiện hành của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam mà ông cho rằng đã xa rời lý tưởng cộng sản. Dần dần, quan điểm của ông ngả sang phê phán cả chế độ cộng sản và lý thuyết xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi một sự đổi mới tự do dân chủ một cách thật sự và nhanh chóng ở Việt Nam. Mình chỉ gặp Bùi Tín một lần duy nhất tháng 10 năm 1990 tại Paris trong cuộc tranh luận giữa ông và nhà văn Nguyễn Đình Thi về thực trạng đất nước ngay sau khi ông xin tỵ nạn chính trị. Mình không thích Bùi Tín, nhưng đăng bài này của Bùi Tín vì chẳng có bài nào khác viết về GS Phan Đình Diệu, vì không thấy các nhà khoa học trong nước, các đồng nghiệp và học trò của GS Phan Đình Diệu viết bài tôn vinh GS khi GS mất.
Nhà khoa học chân chính đều nói ‘không’ với Marx!
Bùi Tín (VOA) - Ở anh Diệu nỗi buồn dai dẳng, niềm uất hận khôn nguôi là chính kiến của anh và các nhà khoa học khác từng thể hiện trên các bài báo, kiến nghị đều không được cơ quan lãnh đạo mảy may quan tâm, trả lời, một sự bác bỏ thẳng thừng từ trước, điều mà anh gọi là “bi kịch không được lắng nghe”, “như nói chuyện với người điếc”, “như nước đổ lá khoai”. Anh tự tin, còn nước còn tát, không buông xuôi, phát biểu trên báo đài, trong Quốc hội, trong các cuộc họp khoa học, trả lời phỏng vấn, nhưng không chống lại nổi cái “tà thuyết mác-xít” mà Liên Xô và Đông Âu đã được giải thoát. Đây là niềm đau tinh thần lớn nhất của anh khi từ giã cuộc đời này.

GS Phan Đình Diệu và GS Nguyễn Đăng Hưng, tại Hội 
Thảo Hè 2008, Nha Trang. (Hình: FB Nguyễn Đăng Hưng)
Nhà toán học kiệt xuất Phan Đình Diệu vừa từ giã chúng ta ở tuổi 83. Tôi ngẩn ngơ luyến tiếc một người bạn thân thiết rất đáng tin cậy và yêu thương, như từng tiếc thương nhà thơ Nguyễn Chí Thiện mấy năm trước.

Anh Diệu là con người cực hiếm, trí tuệ cao sâu, sống giản dị chan hòa, chất phác, với giọng Nghệ Tĩnh nhỏ nhẹ. Anh thường hay sang Pháp, con gái Phan Thị Hà Dương và con rể anh Lê Minh Hà và con trai Phan Dương Hiệu đều tốt nghiệp ngành tin học cao cấp trên đất Pháp. Các bạn trong nước đánh giá anh là “kẻ sỹ chân chính, cương trực”.

Anh là nhà Toán học khi còn trẻ đã có công lớn đưa mạng lưới Internet vào Việt Nam, xây dựng từ đầu Viện Tính toán và Điều khiển. Anh là nhà khoa học được cả giới toán học, khoa học hâm mộ, được mời vào Đảng nhưng anh khước từ vì anh cho rằng nhà khoa học chân chính luôn có tư duy độc lập không thể hạ mình a dua với những học thuyết phản khoa học như học thuyết của Marx. Lần nào sang Pháp anh cũng ghé qua gặp tôi hoặc nói chuyện lâu trên điện thoại, trao đổi về tình hình chính trị trong nước.

Ở anh nỗi buồn dai dẳng, niềm uất hận khôn nguôi là chính kiến của anh và các nhà khoa học khác từng thể hiện trên các bài báo, kiến nghị đều không được cơ quan lãnh đạo mảy may quan tâm, trả lời, một sự bác bỏ thẳng thừng từ trước, điều mà anh gọi là “bi kịch không được lắng nghe”, “như nói chuyện với người điếc”, “như nước đổ lá khoai”. Anh tự tin, còn nước còn tát, không buông xuôi, phát biểu trên báo đài, trong Quốc hội, trong các cuộc họp khoa học, trả lời phỏng vấn, nhưng không chống lại nổi cái “tà thuyết mác-xít” mà Liên Xô và Đông Âu đã được giải thoát. Đây là niềm đau tinh thần lớn nhất của anh khi từ giã cuộc đời này.

Anh có niềm tin tuyệt đối ở khoa học, trước hết ở khoa Toán là khoa học cơ bản nhất làm cơ sở cho các khoa học khác. Theo anh chính trị phải là một khoa học, phải theo những quy luật của luận lý và đời sống xã hội, không thể theo tham vọng của cá nhân lãnh đạo thường hay lầm lạc, xa rời thực tế và đời sống.

Anh cho rằng các nhà toán học kiệt xuất nước ta, từ Tạ Quang Bửu, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Tụy, Lê Bá Khánh Trình cho đến Ngô Bảo Châu, Hoàng Xuân Phú… đều rất kỵ với học thuyết mác xít sùng bái bạo lực, không tin ở trí tuệ, trí khôn, ở luận lý để lý giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Đó là tà thuyết không thể đổi mới, chỉ có bác bỏ, quên đi, đào sâu chôn chặt.

Anh luôn mang theo niềm tin rằng tư duy khoa học, minh mẫn, tỉnh táo sáng tạo sẽ cứu vãn mọi bi kịch do các tà thuyết chính trị gây nên, từ học thuyết phát xít của Hit-Le và các học thuyết của Mác-Lênin, Mao gây nên. Anh rất quý nhà khoa học Nguyễn Xuân Tụ (Hà Sỹ Phu) với bài luận văn “Đi theo bảng chỉ đường của trí tuệ”. Bài viết của anh “một lộ trình cho dân chủ hóa” từ năm 2006 cho đến nay vẫn nguyên vẹn giá trị.

Nhân có chuyện nhà toán học, khoa học kiệt xuất của đất nước Phan Đình Diệu đi xa, mong rằng Bộ Chính trị, nhất là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm chú ý đến sự luyến tiếc, tin yêu của giới trí thức, khoa học chân chính, của tuổi trẻ, giới chính trị yêu nước đối với nhà khoa học chân chính Phan Đình Diệu để cùng nhau giã từ cái tà thuyết mác xít phản khoa học, phản trí tuệ, phi nhân bản và phản dân chủ.

(.........................................)


Theo tôi, xin thật lòng, tôi cho rằng nhà toán học Phan Đình Diệu xứng đáng là cố vấn, là bậc thầy chính trị của ông lão già nua “giáo sư xây dựng Đảng” Nguyễn Phú Trọng.

B.T.
Tác giả gửi BVN.
https://boxitvn.blogspot.com/2018/05/nha-khoa-hoc-chan-chinh-eu-noi-khong.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét